Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Có thể bị liệt, tử vong vì thoái hóa đốt sống cổ



Ngồi làm việc trong văn phòng với máy vi tính thoạt nhìn tưởng là một công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ đối với chị em phụ nữ nhưng sự thực không hẳn vậy. Môi trường làm việc cùng với những thói quen không đúng của các nữ nhân viên văn phòng đã nhanh chóng bào mòn sức khỏe, nhan sắc và để lại trên cơ thể chị em vô số căn bệnh phiền toái. Một trong những căn bệnh thường gặp nhất là thoái hóa đốt sống cổ.

Bác sĩ Trần Văn Thanh, Phó trưởng khoa Thăm dò chức năng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, BV Châm cứu TƯ cho biết, trước đây bệnh thoái hóa đốt sống cổ hay gặp ở người 40-50 tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa và số chị em văn phòng mắc phải bệnh lý này cũng ngày càng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh thoái hóa đốt sống cổ gia tăng ở chị em nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là thói quen ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài.

Hồng, biên tập viên ở một báo điện tử, công việc yêu cầu cô phải làm việc 8-10 tiếng/ngày với máy tính, mà không có thời gian nghỉ giải lao, vận động. Sau 1 năm làm việc Hồng cũng thường xuyên xuất hiện các cơn mỏi vùng cổ, vai và cánh tay. Mỗi lần xuất hiện cơn mỏi, Hồng lại làm mấy động tác vặn cổ, xoay người mạnh, “bão” kêu răng rắc. Mỗi lần như thế Hồng thấy đỡ mỏi hơn hẳn dù không được lâu, chỉ sau tầm 1 tiếng là mỏi lại. Cách đây 4 hôm ngay sau tiếng ‘rắc” khi vặn cổ, người Hồng không còn thấy cảm giác sảng khoái như mọi lần mà bỗng đau nhói, cứng gáy thể quay đầu, xoay cổ trở lại như bình thường. Sau vài phút, vùng gáy bị sưng, cơn đau buốt  kéo lên tận đỉnh đầu.

Có thể bị liệt, tử vong vì thoái hóa đốt sống cổ - 1

Chị em văn phòng đối mặt với bệnh thoái hóa đốt sống cổ. (Ảnh: Mai Hương).

Hồng phải nhờ đồng nghiệp chở ngay đến BV trong tư thế “vẹo cổ” cứng đơ sang bên phải. Qua thăm khám và chụp chiếu, BS kết luận Hồng bị thoái hóa đốt sống cổ. Việc cô có thói quen bẻ bão quá mạnh là thủ phạm khiến đầu cổ bị vẹo. Sau 3 ngày điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại bệnh viện Hồng mới có thể xoay đầu, cổ bình thường, nhưng bệnh thoái hóa đốt sống cổ cô còn phải điều trị dài ngày mới có thể khỏi.

Thời gian gần đây Linh cũng hay bị đau mỏi vai gáy. Linh không bao giờ nghĩ mình bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ bởi với cô đây là bệnh ở người già. Mấy ngày gần đây cơn đau gáy xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là sau mỗi lần Linh vắt vẻo, co quắp nằm trên ghế ngủ trưa tại cơ quan. Lạ là cô còn thương xuyên nấc, ngáp và chóng mặt … Nghĩ rằng các biểu hiện trên là do công việc vất vả, cô bị thiếu máu nên Linh mua thuốc bổ sung sắt về uống. Uống hết lọ thuốc bổ bệnh không dứt mà còn nặng hơn.

Khi khám tại khoa Thần kinh, cô ngạc nhiên khi bác sĩ nghi ngờ cô bị thoái hóa đốt sống cổ và cho giấy chuyển sang khoa xương khớp. Kết quả chụp chiếu cho thấy, Linh bị thoái hóa đốt sống cổ dù cô mới 23 tuổi. Bác sĩ bảo cô còn quá trẻ để mắc bệnh lý này nhưng do thường xuyên làm việc sai tư thế nên Linh vẫn bị thoái hóa đốt sống cổ - bệnh mà trước đây tưởng chỉ gặp ở người già, bước vào giai đoạn lão hóa xương khớp. Việc xuất hiện các triệu chứng lạ như nấc, ngáp, chóng mặt là do Linh bị thoái hóa ở đoạn C4.  

Có thể tử vong nếu cố tình vặn cổ

BS Thanh cho biết, làm việc với máy tính lâu, ngồi sai tư thế (cúi nhiều, chỉ nhìn một hướng trong thời gian dài), ngủ vắt vẻo ở ghế hoặc gục lên bàn …. là những thói quen xấu khiến chị em dễ có nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ. Người bị bệnh thường có biểu hiện đau mỏi vùng cổ, sau lan xuống bả vai, cánh tay. Cảm giác đau lúc đầu như kim châm tê tê sau nếu bệnh nặng có thể đau nhói, buốt từng cơn. Người bị thoái hóa đốt sống cổ nặng có thể kèm theo biến chứng phức tạp hơn như khó nuốt, thấy vướng ở cổ, vẹo cổ, thường xuyên bị choáng …

Thoái hóa đốt sống cổ ở đoạn C1-C2 có liên quan trực tiếp tới việc quay đầu cổ, nâng giữ đầu nên người bệnh sẽ có cảm giác khó quay đầu, cứng gáy, có điểm dau khi ấn vào các gai xương, các mỏm ngang của cột sống cổ. Nếu thoái hóa ở đoạn C4 sẽ liên quan đến sự vận động của cơ hoành nên người bệnh có biểu hiện nấc, ngáp, chóng mặt.

BS Thanh cảnh báo, người bị thoái hóa đốt sống cổ rất dễ có nguy cơ gãy, trợt khớp mỏm nha gây liệt tứ chi, thậm chí tử vong. Do đó, chị em cần tuyệt đối không vặn cổ, ấn cổ mạnh hoặc nằm gối đầu quá cao.

“Điều đáng lo ngại là người bị bệnh này không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc nặng hơn là phẫu thuật”, BS Thanh nói.

Từ hôm nay, Eva.vn sẽ lần lượt cung cấp cho bạn đọc những nguy cơ và căn bệnh mà nữ giới văn phòng thường mắc phải, nhằm giúp chị em có nhận thức đúng và đủ, chủ động phòng ngừa và điều trị đúng hướng.

Mời độc giả đón đọc Bài 2: Dân văn phòng và nỗi khổ "khô mắt" vào lúc 13h30 phút ngày mai, 18/12.

Để phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ, BS khuyến cáo chị em cần loại bỏ thói quen xấu, có tư thế ngồi đúng cách: ngồi phải có cảm giác thoải mái, không phải vươn người, vẹo trái hay phải. Ghế ngồi phải có tựa lưng nhưng không được ngả quá ,chân ở tư thế nghỉ ngơi trên sàn hoặc trên bục để chân; góc khủy tay khoảng 90 độ. Chiều cao bàn làm việc nên ở 65-75cm, máy tính để xa mắt khoảng 50cm, cạnh trên của màn hình phải ở dưới tầm mắt. 
Với chị em thường xuyên ngồi một chỗ, làm việc với máy tính nên có thời gian nghỉ giải lao 5-10 phút sau 45 phút làm việc. Có thể xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ, vai hoặc tập thư giãn bằng cách trò chuyện với đồng nghiệp, không nhìn vào máy tính.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 All Right Reserved
Designed by