Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Tiểu đường tuýp 2 là gì?



Tiểu đường tuýp 2 tấn công người bệnh ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng ban đầu rất khó phát hiện. Trong thực tế, một trong 3 người bị tiểu đường tuýp 2 không nhận thức được rằng họ đã mắc bệnh. Tình trạng mãn tính này cản trở cơ thể sử dụng các chất đường bột trong thức ăn để tạo thành năng lượng dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu tăng cao. Theo thời gian, lượng đường dư thừa này làm tăng nguy cơ bệnh tim, giảm tầm nhìn, tổn thương thần kinh và các cơ quan và các vấn đề nghiêm trọng khác.



Dấu hiệu cảnh báo
Khát nước

Những bệnh nhận Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường không có triệu chứng. Khi các triệu chứng xuất hiện thì điều đầu tiên là người bệnh sẽ gia tăng các cơn khát. Triệu chứng này thường đi kèm với cảm giác khô miệng, tăng sự thèm ăn, đi tiểu thường xuyên chẳng hạn như mỗi giờ, giảm hoặc tăng cân bất thường.
Nhức đầu

Khi lượng đường trong máu bất thường, các triệu chứng sau đó có thể bao gồm đau đầu, mờ mắt và mệt mỏi.

Nhiễm trùng

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tiểu đường tuýp 2 không được phát hiện cho đến khi xuất hiện các triệu chứng đáng ngại về sức khỏe như:
Các vết cắt hoặc lở lâu lành
Nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
Ngứa da, đặc biệt ở vùng bẹn
Rối loạn chức năng tình dục

Rối loạn chức năng tình dục là triệu chứng phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể gây ra các tổn thương ở mạch máu và dây thần kinh ở bộ phận sinh dục, dẫn đến mất cảm giác và khó đạt đỉnh. Các biến chứng khác có thể bao gồm khô âm đạo và bất lực ở nam giới. Người ta ước tính khoảng 35% – 70% nam giới mắc bệnh tiểu đường sẽ gặp ít nhất một vài mức độ của chứng bất lực trong suốt cuộc đời của họ. Khoảng 1 trong 3 phụ nữ mắc bệnh tiểu đường sẽ phải trãi qua một số hình thức rối loạn chức năng sinh dục.

Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát

Một số thói quen sống và điều kiện y tế có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như:
Thừa cân, đặc biệt là ở vùng bụng
Lối sống ít vận động
Hút thuốc
Ăn nhiều thịt đỏ, các loại thịt chế biến sẵn, sữa có hàm lượng chất béo cao và đồ ngọt
Lượng cholesterol và mỡ máu bất thường ví dụ HDL – vốn được coi là một loại cholesterol có lợi cho sức khỏe – thấp hơn 35mg/dL hoặc mức triglyceride cao hơn 250mg/dL.
Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát
Chủng tộc hay sắc tộc gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa và người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn mức trung bình.
Gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường như cha mẹ, hoặc chị em ruột mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên.
Độ tuổi: từ 45 tuổi trở lên nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng gia tăng.
Càng có nhiều yếu tố nguy cơ, khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 càng tăng.
Các yếu tố nguy cơ đối với phụ nữ

Trong quá trình mang thai, nếu thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng trên 4kg thì sẽ có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Người có tiểu sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra hiện tượng kháng insulin và dẫn đến bệnh tiểu đường.
Insulin hoạt động như thế nào

Ở những người khỏe mạnh, insulin đóng vai trò chuyển hóa thức ăn thành năng lượng một cách hiệu quả. Dạ dày phân hủy carbohydrate có trong thức ăn thành đường glucose, đường glucose sau đó đi vào mạch máu, kích thích tuyến tụy tiết ra insulin với lượng phù hợp. Insulin là một loại hormone cho phép glucose di chuyển từ mạch máu vào các tế bào khắp cơ thể – nơi mà ở đó glucose sẽ được sử dụng như một nguồn năng lượng. Lượng glucose dư thừa sẽ được tích trữ trong gan.
Tiểu đường tuýp 2: những rủi ro trong trao đổi chất

Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, các tế bào không thể hấp thụ glucose do đó mức glucose trong máu sẽ tăng cao bất thường. Khi cơ thể rơi vào tình trạng kháng insulin, insulin tạo ra dư thừa nhưng lại không được cơ bắp, gan và các tế bào mỡ sử dụng hoặc không đáp ứng với insulin. Với bệnh tiểu đường tuýp 2 không được kiểm soát trong thời gian dài, lượng insulin tiết ra từ tuyến tụy sẽ bị giảm sút.
Chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2

Chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể thông qua một xét nghiệm máu đơn giản đó là xét nghiệm A1C. Xét nghiệm này cung cấp giá trị mức glucose máu trung bình trong vòng 2 – 3 tháng trước đó. Khi giá trị A1C cao hơn hoặc bằng 6.5% cho phép xác định bệnh tiểu đường. Kết quả xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói trên 126 cũng được coi là mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân kiểm tra dung nạp glucose qua đường uống trong 2 giờ. Ở những người có các triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu đường thường có mức glucose máu ngẫu nhiên lớn hơn 200.

Kiểm soát Bệnh tiểu đường

Chế độ ăn uống

Lượng đường trong máu có thể kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, điều này giúp làm giảm nguy cơ các biến chứng của bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nên theo dõi lượng carbohydrate, tổng hàm lượng chất béo và protein tiêu thụ đồng thời giảm lượng calo dung nạp. Hãy yêu cầu các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cho bạn một kế hoạch ăn uống lành mạnh.

Tập thể dục

Thường xuyên tập thể dục như tăng cường vận động thể lực, đi bộ có thể cải thiện tình trạng kháng insulincủa cơ thể và làm giảm đường huyết ở những người mắc Bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, vận động còn làm giảm mỡ thừa, giảm huyết áp và phòng chống bệnh tim mạch. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nên bỏ ra 30 phút tập thể dục vừa sức mỗi ngày.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể gây tăng huyết áp đồng thời làm tăng nồng độ glucose trong máu như một phần của phản ứng “chống hoặc chạy” của cơ thể – đây là một phản ứng được “cài đặt sẵn” về mặt sinh học, cho phép mỗi cá nhân có thể ứng phó với những tác nhân đe dọa từ môi trường bên ngoài. Người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp để chống lại căng thẳng. Bệnh tiểu đường gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, để tránh căng thẳng hãy thực hiện các phương pháp thư giãn như hít thở sâu, thiền định. Nói chuyện với bạn bè, người thân trong gia đình hoặc các nhân viên tư vấn cũng là cách làm giảm căng thẳng. Nếu tình hình vẫn trở nên tồi tệ, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được tư vấn.

Thuốc uống
Khi các chế độ ăn và tập thể dục không thể kiểm soát được lượng đường máu, người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc để hỗ trợ. Có rất nhiều loại thuốc chữa trị bệnh tiểu đường và chúng thường được sử dụng kết hợp. Một số loại thuốc tác dụng bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất insulin nhiều hơn hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng insulin của cơ thể hoặc ngăn chặn cơ thể tiêu hóa tinh bột.



Insulin



Người bệnh có thể được kê toa sử dụng insulin trong điều trị hoặc sử dụng kết hợp với thuốc uống. Insulin cũng được sử dụng đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có các tế bào beta bị khiếm khuyết có nghĩa là các tế bào trong tuyến tụy không thể sản xuất insulin để đáp ứng với nồng độ đường trong máu cao. Trong trường hợp này, người bệnh phải tiêm hoặc bơm insulin hằng ngày.
Các loại thuốc tiêm không chứa insulin

Một số loại thuốc mới như Pramlintide (Symlin), exenatide (Byetta) và liraglutide (Victoza) là các loại thuốc tiêm không chứa insulin dành cho người tiểu đường tuýp 2. Trong khi insulin giúp đưa glucose từ máu vào tế bào, các loại thuốc này giúp cơ thể tăng tiết insulin nhằm kiểm soát lượng đường trong máu.
Kiểm tra đường glucose

Kiểm tra lượng đường trong máu giúp bạn kiểm soát đường huyết và có những hành động kịp thời trong kế hoạch điều trị. Thời điểm kiểm tra và số lần kiểm tra đường huyết sẽ phụ thuộc vào tình trạng kiểm soát bệnh tiểu đường, cách điều trị và người bệnh có các triệu chứng đường máu không ổn định hay không. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được tư vấn về số lần đo đường huyết trong ngày. Các thử nghiệm thường được vào lúc thức dậy, trước và sau bữa ăn, trước và sau khi vận động tập thể dục, trước khi đi ngủ.

Thiết bị kiểm soát glucose liên tục có thể giúp ích cho những người bị Bệnh tiểu đường tuýp 1 hạ thấp đường huyết.

Các tổn thương lâu dài

Động mạch


Theo thời gian, bệnh tiểu đường tuýp 2 không được điều trị có thể gây tổn thương nhiều hệ thống của cơ thể. Ước tính có khoảng 2 trong số 3 người mắc bệnh tiểu đường qua đời vì bệnh tim. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 2 – 4 lần, xuất hiện các mảng bám trong động mạch, giảm lưu lượng máu, tăng hiện tượng máu đóng cục. Tình trạng xơ cứng động mạch này hay còn gọi là xơ vữa động mạch làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Thận

Mắc bệnh tiểu đường càng lâu, nguy cơ phát triển bệnh thận mãn tính càng lớn. Bệnh tiểu đường là nguy cơ hàng đầu gây suy thận, chiếm 44% trường hợp phát hiện bệnh trong năm 2008 tại Mỹ. Các nguy cơ biến chứng có thể giảm bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp và cholesterol cao. Nên tầm soát hang năm bệnh thận và sử dụng các loại thuốc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận có thể giúp giảm nguy cơ suy thận.

Mắt

Đường huyết cao có thể gây tổn hại các mạch máu nhỏ mang oxy và chất dinh dưỡng tới võng mạc vốn là một phần quan trọng của mắt. Hiện tượng này được gọi là bệnh võng mạc do bệnh tiểu đường mà nó có thể gây tình trạng mất thị lực vĩnh viễn. Đây là nguyên nhân hàng đầu đối với các trường hợp mù lòa ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 74 tuổi.

Tổn thương thần kinh

Theo thời gian, nếu không kiểm soát bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu duy trì ở mức cao sẽ dẫn đến các tổn thương thần kinh. Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa ran, tê, đau, cảm giác kim châm ở ngón tay, bàn tay, ngón chân hoặc bàn chân. Những tổn thương này không thể hồi phục nhưng các liệu pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân giảm đau và tê. Bệnh nhân cần kiểm soát bệnh tiểu đường để tránh các tổn thương nặng hơn.

Bàn chân

Các tổn thương thần kinh do bệnh đái tháo đường gây ra làm cho người bệnh mất cảm giác ở bàn chân và khó phát hiện ra các chấn thương. Đồng thời, xơ cứng động mạch do kém lưu thông máu ở bàn chân. Vết loét và hoại tử bàn chân có thể xảy ra từ những chấn thương nhỏ. Trường hợp nặng, nhiễm trung không kiểm soát được có thể phải phẫu thuật cắt chi.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2

Điều ngạc nhiên là bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi điều kiện sống. Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy làm theo các hướng dẫn dưới đây:
Ăn một chế độ ăn lành mạnh
Tập thể dục 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
Kiểm tra tiền tiểu đường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 All Right Reserved
Designed by