Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Định nghĩa bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường (tên tiếng anh Diabetes mellitus). Là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước.


Tỉ lệ người bị bệnh tiểu đường trên thế giới rất cao, cứ mỗi 100 người thì có một người bị mắc bệnh này. và một điểu thật sự đáng buồn là nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ bệnh tiểu đường chỉ đứng thứ 10 thế giới và là nước có bệnh tiểu đường phát triển nhanh nhất. Từ 2,7% người dân mắc bệnh đái tháo đường năm 2001, năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 6%. Đến năm 2025 số người mắc có thể tăng thành 8 triệu người.

Bệnh tiểu đường loại 1

Tiểu đường loại 1 thường xảy ra cho người dưới 40 tuổi, hay bắt đầu vào khoảng tuổi 14. Loại tiểu đường này, có lẽ do di truyền, tuy điều này chưa được hiểu rõ. Nếu có bố, mẹ, hay anh chị em ruột mang bệnh tiểu đường loại này, cơ hội để một em bé trong gia đình có thể bị bệnh là 5-10%.

Triệu chứng của tiểu đường loại 1 (do tụy tạng không tiết đủ insulin) thường đột ngột, có khi trong vòng vài ngày. Người bệnh đi tiểu luôn, lúc nào cũng khát nước, ăn uống nhiều vì ngon miệng, nhưng vẫn xuống cân. Thỉnh thoảng, có người từ trước vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng, nay đột nhiên hôn mê. Khi đưa vào bệnh viện và thử máu, mới thấy đường lên quá cao trong máu. Đo lượng insulin trong máu, thấy chất insulin trong máu người bệnh rất thấp hoặc không thấy có insulin gì cả.

Sao tụy tạng lại không tiết đủ insulin để xảy ra cớ sự? Điều này còn nằm trong vòng giả thuyết, chưa ai biết rõ. Người ta ngờ rằng, vì di truyền, các tế bào beta của tụy tạng đã “yếu” sẵn. Vào một hôm định mệnh, tụy tạng bị siêu vi trùng (virus) tấn công, các tế bào beta đã yếu sẵn nên quị luôn, hư hoại, không còn khả năng tiết ra insulin.

Một khi người bệnh đã có triệu chứng gây do tiểu đường loại 1, sự chữa trị là chích chất insulin vào, để thay thế cho chất insulin không có đủ trong cơ thể.

Bệnh tiểu đường loại 2

Tiểu đường loại 2 thường xảy ra ở người trên tuổi 40

80% số người bị bệnh tiểu đường loại này béo mập, nặng cân hơn bình thường. Khi đo lượng insulin trong máu những người nặng cân và bị bệnh tiểu đường , người ta thấy insulin trong máu bình thường, hoặc có khi còn cao hơn bình thường.

Nhiều người thắc mắc rằng insulin trong người, mà vẫn bị tiểu đường. Chỉ vì, muốn dùng được insulin, trên mặt các tế bào phải có đủ những chỗ tiếp nhận insulin, gọi là “insulin receptors”. Trên mặt các tế bào mỡ của những người bị tiểu đường loại 2 không có đủ những chỗ tiếp nhận hầu insulin có thể bám vào để tác động, đưa đường từ ngoài máu vào bên trong tế bào. Nên cơ chế chính gây tiểu đường loại 2 ở những vị béo mập là do các tế bào mỡ thiếu những chỗ tiếp nhận insulin, và sự chữa trị hàng đầu là xuống cân.

Sự di truyền trong trường hợp tiểu đường loại 2 còn mạnh hơn loại 1. Nếu có anh hay em sinh đôi bị tiểu đường loại 2, người kia trước sau gì cũng bị tiểu đường cùng loại. Nếu có bố mẹ bị tiểu đường loại này, gần như 1/3 con cái sinh ra sau này cũng bị tiểu đường, hoặc có những thử máu bất thường.

Ai dễ bị bệnh tiểu đường loại 2?

Từ tuổi 45 trở đi, tiểu đường loại 2 dễ xuất hiện. Bệnh tiểu đường loại 2 có thể đến sớm hơn:

Người béo mập (sức nặng 20% trên sức nặng lý tưởng).

Có bố, mẹ, anh, chị, em ruột mang bệnh tiểu đường .

Người Á đông (Asian), Mỹ gốc Phi châu (African American), Mỹ gốc da đỏ (Native American), và người gốc Hispanic.

Sanh con nặng trên 9 pounds hoặc bị tiểu đường lúc mang thai.

Có cao áp huyết (áp huyết 140/90 trở lên).

Có lượng cholesterol tốt (HDL) 35 mg/dl trở xuống, hay lượng mỡ triglyceride trong máu 250 mg/dl trở lên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 All Right Reserved
Designed by